Đôi nét về đạo Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Nội dung chính [Hiện]
Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên, trong điều kiện xã hội phân chia theo chế độ đẳng cấp bất bình đẳng. Đạo Phật ra đời là sự kế thừa, tiếp nối các trào lưu tôn giáo, triết học nổi tiếng của Ấn Độ cổ đại và được coi là một trong những học thuyết xã hội chống lại sự bất công trong xã hội đương thời.
Đôi nét về đạo Phật
Người sáng lập ra đạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa (Shidartha) sinh năm 624 trước công nguyên thuộc dòng họ Thích Ca (Sakyà), con vua Tịnh Phạn Vương Đầu Đà Na (Sudhodana) trị vì nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavasu) xứ Trung Ấn Độ lúc đó và hoàng hậu Ma Da (Maya). Dù sống trong cuộc đời vương giả nhưng Thái tử vẫn nhận ra sự đau khổ của nhân sinh, vô thường của thế sự nên Thái tử đã quyết tâm xuất gia tìm đạo nhằm tìm ra căn nguyên của đau khổ và phương pháp diệt trừ đau khổ để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Sau nhiều năm tìm thày học đạo, Thái Tử nhận ra rằng phương pháp tu hành của các vị đó đều không thể giải thoát cho con người hết khổ được. Cuối cùng, Thái tử đến ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ đề và thề rằng “Nếu Ta không thành đạo thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”. Sau 49 ngày đêm thiền định, Thái tử đã đạt được Đạo vô thượng, thành bậc “Chánh đẳng chánh giác”, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó là ngày 08 tháng 12 năm Đức Phật 31 tuổi.
Tư tưởng chủ đạo của đạo Phật là dạy con người hướng thiện, có tri thức để xây dựng cuộc sống tốt đẹp yên vui trong hiện tại. Đạo Phật không công nhận có một đấng tối cao chi phối đời sống của con người, không ban phúc hay giáng hoạ cho ai mà trong cuộc sống mỗi người đều phải tuân theo luật Nhân – Quả, làm việc thiện thì được hưởng phúc và làm việc ác thì phải chịu báo ứng. Đạo Phật còn thể hiện là một tôn giáo tiến bộ khi không có thái độ phân biệt đẳng cấp. Đức Phật đã từng nói: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ như nhau, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”. Ngoài ra, đạo Phật cũng thể hiện tinh thần đoàn kết và không phân biệt giữa người tu hành và tín đồ, quan điểm của đạo Phật là “Tứ chúng đồng tu”, đó là Tăng, Ni, Phật tử nam và Phật tử nữ đều cùng được tu và nếu ai có quyết tâm đều có thể thành tựu như Đức Phật.
Khác với một số tôn giáo lớn trên thế giới, đạo Phật chủ trương không có hệ thống tổ chức thế giới và hệ thống giáo quyền. Điều này xuất phát từ lý do Đức Phật hiểu rõ sự ham muốn quyền lực của con người, do đó Đức Phật chủ trương không giao giáo quyền quản lý cho ai mà chỉ hướng dẫn đệ tử nương vào giáo lý, giáo luật để duy trì và tồn tại theo hệ thống sơn môn (như dòng họ thế tục ngoài đời).
Một đặc điểm nổi bật của đạo Phật là một tôn giáo hoà bình, hữu nghị, hợp tác. Trải qua hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển, đạo Phật du nhập vào trên 100 nước trên thế giới, ở hầu khắp các châu lục nhưng luôn với trạng thái ôn hoà, chưa bao giờ đi liền với chiến tranh xâm lược hay xảy ra các cuộc thánh chiến. Tính đến năm 2008, đạo Phật có khoảng 350 triệu tín đồ và hàng trăm triệu người có tình cảm, tín ngưỡng và có ảnh hưởng bởi văn hoá, đạo đức Phật giáo.
Về giáo lý, giáo luật, lễ nghi của đạo Phật:
Kinh sách của Phật giáo được chia làm 3 tạng (Tam tạng kinh điển):
– Kinh tạng: là những sách ghi chép lời Phật giảng dạy về giáo lý, còn gọi là Khế kinh, có nghĩa như là một chân lý.
– Luật tạng: là sách ghi chép những giới luật của Phật chế định dành cho 2 chúng xuất gia và 2 chúng tại gia phải tuân theo trong quá trình sinh hoạt và tu học, đặc biệt là các quy định đối với hàng đệ tử xuất gia.
– Luận tạng: là sách giảng giải ý nghĩa về kinh, luật.
Về số lượng, kinh sách của Phật giáo được coi là một kho tàng vĩ đại. Riêng Đại tạng kinh có gần 10.000 pho sách, ngoài ra còn rất nhiều những trước tác, bình luận, giải thích giáo lý và rất nhiều các lĩnh vực khác, như: Văn học, triết học, nghệ thuật, luân lý học được truyền bá khắp thế giới và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nguyên bản thì chép bằng chữ Pali và chữ Phạn.
* Giáo lý:
Giáo lý của đạo Phật có rất nhiều nhưng đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, không trừu tượng, siêu hình, giáo điều hay khiên cưỡng, không ép buộc mà hoàn toàn chỉ mang tính định hướng để cho mọi người tuỳ điều kiện, hoàn cảnh, nhận thức áp dụng linh hoạt để dù tu theo cách nào trong 84.000 pháp môn tu Đức Phật đã chỉ ra thì cuối cùng cũng đạt đến mục đích sống yên vui, ấm no và hạnh phúc cho mỗi người, cho gia đình và xã hội.
Giáo lý cơ bản của đạo Phật có 2 vấn đề quan trọng, đó là Lý Nhân duyên và Tứ Diệu đế (4 chân lý).
Lý Nhân duyên
Phật giáo quan niệm các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng theo quy luật Thành – Trụ – Hoại – Không (mỗi sự vật đều có quá trình hình thành, phát triển và tồn tại một thời gian, rồi biến chuyển đi đến huỷ hoại và cuối cùng là tan biến, ví như một làn sóng, khi mới nhô lên gọi là “thành”, khi nhô lên cao nhất gọi là “trụ”, khi hạ dần xuống gọi là “hoại”, đến khi tan rã lại trở về “không”) và đều bị chi phối bởi quy luật nhân – duyên, trong đó nhân là năng lực phát sinh, là mầm để tạo nên quả và duyên là sự hỗ trợ, là phương tiện cho nhân phát sinh, nảy nở. Tuỳ vào sự kết hợp giữa nhân và duyên mà tạo thành các sự vật, hiện tượng khác nhau. Có hay không một hiện tượng, sự vật là do sự kết hợp hay tan rã của nhiều nhân, nhiều duyên. Nhân và duyên cũng không phải tự nhiên có mà nó được tạo ra bởi sự vận động của các sự vật, hiện tượng và quá trình hợp – tan của các nhân – duyên có trước để tạo ra nhân – duyên mới, Phật giáo gọi đó là tính “trùng trùng duyên khởi”.
Về con người, Phật giáo cho rằng cũng không nằm ngoài quy luật: Thành – Trụ – Hoại – Không, hay nói cách khác bất cứ ai cũng phải tuân theo quy luật: Sinh – Trụ – Dị – Diệt (đó là chu trình con người được sinh ra, lớn lên, tồn tại, thay đổi theo thời gian và cuối cùng là diệt vong). Khi con người mất đi thì tinh thần cũng theo đó mà tan biến. Phật giáo không công nhận một linh hồn vĩnh cửu, tách rời thân thể để chuyển từ kiếp này sang kiếp khác.
Phật giáo quan niệm con người được sinh ra không phải là sản phẩm của một đấng tối cao nào đó, càng không phải tự nhiên mà có. Sự xuất hiện của một người là do nhiều nhân, nhiều duyên hội hợp và người đó không còn tồn tại khi nhân duyên tan rã. Nhân – duyên ở đây được Phật giáo khái quát thành một chuỗi 12 nhân duyên (thập nhị nhân duyên), là sợi dây liên tục nối tiếp con người trong vòng sinh tử luân hồi: 1) Vô minh; 2) Hành; 3)Thức; 4) Danh sắc; 5) Lục nhập; 6) Xúc; 7) Thụ; 8) Ái; 9) Thủ; 10) Hữu; 11) Sinh; 12) Lão tử. Trong đó, Vô minh là duyên của “Hành”, Hành là duyên của “Thức”, Thức là duyên của “Danh sắc”, Danh sắc là duyên của “Lục nhập”, Lục nhập là duyên của “Xúc”, Xúc là duyên của “Thụ”, Thụ là duyên của “Ái”, Ái là duyên của “Thủ”, Thủ là duyên của “Hữu”, Hữu là duyên của “Sinh”, Sinh là duyên của “Lão tử”. Phật giáo cho rằng 12 nhân duyên có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, cái này là quả của cái trước nhưng lại là nhân, là duyên cho cái sau. Trong chuỗi nhân duyên, Phật giáo chú trọng nhấn mạnh tới yếu tố “vô minh”, hiểu theo nghĩa đen là một màn đêm u tối, không có ánh sáng dẫn đường, không biết lối mà đi; hiểu theo nghĩa bóng đó là sự thiếu hiểu biết của con người về thế giới khách quan, về bản chất chân thực của sự vật hiện tượng dẫn tới nhìn nhận thiên kiến, thiển cận, phiến diện, chấp ngã, đề cao cái “Ta”, từ đó dẫn dắt đến hành động sai trái, tạo nên nghiệp xấu, gây nên “nhân” xấu, sinh ra “quả” xấu, làm cho con người phải chịu đau khổ, mãi quẩn quanh trong vòng sinh tử luân hồi. Do đó, để có thể thụ hưởng yên vui, an lạc trong cuộc đời con người phải học tập, lấy trí tuệ làm sự nghiệp (duy tuệ thị nghiệp) để xoá bỏ “vô minh”, tạo ra những nhân, duyên tốt để gieo trồng nên quả ngọt.
Phật giáo quan niệm mọi sự vật luôn luôn biến chuyển, đổi thay, mọi thứ ta có, ta nhìn thấy đều chỉ là vô thường. Vô thường là không thường xuyên, mãi mãi ở trong một trạng thái nhất định mà nó sẽ luôn biến đổi, tồn tại hay không tồn tại, có hay không có đó chỉ là vấn đề thời gian. Khi đầy đủ nhân duyên hội hợp thì sự vật hiện hữu, gọi là “có”; khi nhân duyên tan rã thì sự vật biến diệt, lại trở về là “không”. Muôn vật từ nhân duyên mà sinh và cũng do nhân duyên mà diệt. Lý nhân duyên làm cho ta thấy con người là một đấng tạo hoá tự tạo ra đời sống của mình, con người làm chủ đời mình, làm chủ vận mệnh của mình. Cuộc đời con người vui sướng hay phiền não đều do nhân và duyên mà con người tự tạo ra chi phối. Từ cách nhìn nhận đó, Đức Phật khuyên con người sống hướng thiện, thực hiện tâm từ bi, biết yêu thương và chia sẻ, vì hạnh phúc của mọi người và hạnh phúc của mình, sống tự tại an lạc, không cố chấp bám víu vào sự vật, hiện tượng, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi sự vô thường của cuộc sống.
Tứ diệu đế
Khi còn là Thái Tử, Đức Phật đã nhận ra cuộc đời đầy rẫy sự đau khổ, do đó Ngài đã quyết chí ra đi tu hành để lý giải vì sao con người ta lại đau khổ và làm sao để thoát khổ. Sau khi đắc đạo, Đức Phật đã nhận rõ căn nguyên nguồn cội của sự khổ đau và phương pháp để diệt trừ nó, Đức Phật đã đem kiến thức của mình truyền bá và hướng dẫn cho người xung quanh thực hành.
Song giai đoạn đầu truyền bá không thành công vì lý lẽ Đức Phật nói ra quá cao siêu mà trình độ của những người nghe đa số còn hạn hẹp nên họ không hiểu, dần dần rời bỏ khỏi những buổi thuyết pháp của Phật. Từ đó Phật đã chuyển đổi phương pháp giảng đạo từ tư duy lý luận sang hướng dẫn thực hành, đó là pháp môn Tứ diệu đế.
Tứ diệu đế đã trở thành giáo lý căn bản, xuyên suốt trong toàn bộ kinh điển Phật giáo. Tứ diệu đế bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
– Khổ đế: Đức Phật chỉ ra rằng, con người ta sống ở trên đời ai cũng phải gặp những điều đau khổ. Ngài đã khái quát cái khổ của con người thành 8 loại khổ (bát khổ):
+ Sinh (sinh ra đời và tồn tại cũng phải trải qua những đau khổ);
+ Lão (tuổi già sức yếu là khổ);
+ Bệnh (đau ốm là khổ);
+ Tử (chết là khổ);
+ Ái biệt ly khổ (những người thân yêu phải xa nhau là khổ);
+ Oán tăng hội khổ (những người có oán thù mà phải gặp gỡ cũng khổ);
+ Cầu bất đắc khổ (điều mong cầu không toại nguyện là khổ);
+ “Ngũ ấm xí thịnh khổ” (thân ngũ đại của con người được gọi là thân ngũ ấm, đó là: sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm. Thân ngũ đại của con người luôn bị chi phối, khổ sở bởi luật vô thường, bởi thất tình, lục dục lôi cuốn… làm cho khổ sở).
Đức Phật nói Khổ đế không phải để làm cho con người buồn chán, bi quan mà trái lại, làm cho mọi người nhìn rõ về quy luật và thực tế của cuộc sống để trân trọng những gì mình có, khi gặp cảnh khổ cũng không hoảng loạn mà điềm tĩnh đón nhận, không bị hoàn cảnh chi phối, tìm phương án giải quyết cho tốt đẹp.
– Tập đế: nguyên nhân tạo thành những nỗi khổ hiện hữu ở đời, Đức Phật gọi là Tập đế. Đức Phật khái quát nguyên nhân nỗi khổ thành “Thập kết sử” (mười điều cốt lõi làm cho con người bị khổ đau), đó là: tham (tham lam), sân (giận dữ), si (si mê), mạn (kiêu ngạo), nghi (nghi ngờ), thân kiến (chấp ngã), biên kiến (hiểu biết không đầy đủ, cực đoan), tà kiến (hiểu không đúng, mê tín dị đoan…), kiến thủ (bảo thủ về ý kiến của mình), giới cấm thủ (làm theo lời răn cấm của tà giáo). 10 điều này đều có thể ở chính ngay trong con người và gây nên đau khổ, tuy nhiên Đức Phật nhấn mạnh đến 3 điều: Tham – Sân – Si, Phật giáo gọi là “Tam độc” là nguyên nhân chính của sự khổ đau.
– Diệt đế: Đức Phật chỉ ra kết quả an vui, hạnh phúc đạt được khi con người diệt trừ hết những nỗi khổ, muốn diệt khổ phải diệt tận gốc, đó là diệt cái nguyên nhân gây ra đau khổ.
– Đạo đế: là những phương pháp Đức Phật hướng dẫn để chúng sinh thực hành diệt khổ, được vui. Đây là phần quan trọng nhất trong Tứ diệu đế, vì khi biết rõ đau khổ, nguyên nhân của đau khổ, mong muốn được thoát khổ để đạt đến cảnh giới an vui nhưng nếu không có phương pháp hiệu nghiệm để thực hiện ý muốn ấy thì không giải quyết được vấn đề và càng thêm đau khổ. Do đó, Đạo đế đã được Đức Phật rất chú trọng, quan tâm để tuỳ căn cơ của chúng sinh mà phân tích cụ thể để hướng dẫn mọi người thực hiện cho phù hợp với bản thân mình.
Đạo đế có 37 phẩm chia làm 7 loại, đó là:
– Tứ niệm xứ (bốn điều mà người tu hành thường xuyên nghĩ đến): quán thân bất tịnh; quán tâm vô thường; quán pháp vô ngã; quán thọ thị khổ.
– Tứ chánh cần (bốn phép siêng năng chân chính để tinh tấn tu hành): tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh; tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh; tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh; tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh.
– Tứ như ý túc (bốn phép thiền định để việc tu hành được phát triển): Dục như ý túc, tinh tấn như ý túc, nhất tâm như ý túc và quán như ý túc.
– Ngũ căn (năm điều căn bản giúp người tu hành đạt chính quả): Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn.
– Ngũ lực (năm năng lực để cùng ngũ căn giúp người tu hành đạt chính quả): Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và huệ lực.
– Thất bồ đề phần (bảy pháp tu tập giúp người tu hành thành tựu đạo quả đại giác): Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả.
– Bát chính đạo (8 con đường chân chính hợp với chân lý Tứ đế để tiến tới đạo Niết bàn, thoát khỏi khổ đau, đó là: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến, chính niệm và chính định). Trong 37 nội dung trợ đạo như đã nói ở trên, Bát chính đạo được coi là pháp môn chính quan trọng nhất, nó phù hợp với mọi căn cơ, nhận thức, mọi thời đại và mọi người. Giá trị của Bát chính đạo là giúp người ta tu dưỡng thân tâm, cải thiện hoàn cảnh, thoát khỏi khổ đau, phiền não, bước lên con đường giải thoát, an vui, tự tại.
* Giáo luật
Giáo luật Phật giáo được Đức Phật chế ra xuất phát từ thực tế trong khi điều hành Tăng đoàn với những điều quy định, cấm nhằm duy trì tổ chức tăng đoàn, hướng mọi người tới chân – thiện – mỹ, phát triển hạnh từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, biết làm lành lánh dữ để đạt tới giác ngộ và giải thoát.
Cốt lõi của giáo luật Phật giáo là “Ngũ giới” và “Thập thiện”.
– Ngũ giới là 5 giới cấm:
+ Không sát sinh;
+ Không nói sai sự thật;
+ Không tà dâm;
+ Không trộm cắp;
+ Không uống rượu.
– Thập thiện là mười điều thiện nên làm, trong đó:
+ Ba điều thiện về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm;
+ Bốn điều thiện về khẩu: không nói dối, không nói hai chiều, không nói điều ác, không nói thêu dệt;
+ Ba điều thiện về ý: không tham lam, không giận dữ, không tà kiến.
Trên cơ sở của quy định Ngũ giới và Thập thiện, Phật giáo đã quy định chi tiết và cụ thể đối với từng loại xuất gia.
– Đối với hàng đệ tử xuất gia đã thụ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni:
Theo Luật Tứ phận thì kinh Giới bản quy định:
+ Tỳ kheo phải giữ 250 giới.
+ Tỳ kheo Ni phải giữ 348 giới.
Theo Nam truyền Luật tạng thì:
+ Tỳ kheo phải giữ 227 giới
– Đối với hàng đệ tử xuất gia còn ở bậc Sa di phải giữ 10 giới. Ngoài ngũ giới như đã nói ở trên, người tu ở bậc Sa di còn phải giữ thêm 5 giới nữa là:
+ Không trang điểm, không bôi nước hoa hay xức dầu thơm.
+ Không nằm giường đệm cao sang, giường rộng dùng cho hai người.
+ Không xem ca hát nhảy múa và cũng không được ca hát nhảy múa.
+ Không giữ vàng bạc.
+ Không ăn phi thời (quá giờ quy định).
Tăng Ni phải nương vào giới luật để làm mực thước sinh hoạt hàng ngày.
– Đối với Phật tử tại gia:
Sau khi thụ Tam quy (quy Phật, quy Pháp, quy Tăng) người Phật tử cần trì Ngũ giới để ngăn cấm những tưởng niệm ác, hành động bất chính, gieo lòng từ bi, bình đẳng trong chúng sinh giúp họ được tiến trên con đường giải thoát, an lạc.
Ngoài ra người Phật tử tuỳ căn cơ, sở nguyện có thể thụ Bát quan trai giới (8 giới). Nội dung Bát quan trai giới gồm có Ngũ giới và thêm 3 điều quy định nữa:
+ Không trang điểm
+ Không dùng đồ sang trọng (giường cao rộng; không ca múa hát xướng và cũng không xem nghe …).
+ Không ăn uống không đúng giờ.
– Đạo Phật cũng đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn mọi người trong cách sống chung, tu hành cùng giữ trọn vẹn hòa khí, ví dụ như tinh thần Lục hòa (6 điều hòa hợp):
+ Thân hòa đồng trụ
+ Giới hòa đồng tu
+ Khẩu hòa vô tranh
+ Ý hòa đồng duyệt
+ Kiến hoà đồng giải
+ Lợi hòa đồng quân
Có thể nói, giáo luật của Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với truyền thống văn hoá của các dân tộc, đặc biệt là ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Giáo luật của Phật giáo đã có đóng góp không nhỏ vào việc điều chỉnh hành vi, hình thành nhân cách, đạo đức lối sống của một bộ phận đông đảo nhân dân Việt Nam.
* Lễ nghi
Lễ nghi của Phật giáo thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính tới người sáng lập (đức Bổn sư). Ban đầu, lễ nghi của Phật giáo khá đơn giản và đồng nhất, song cùng với quá trình phát triển, Phật giáo phân chia thành nhiều tông phái và du nhập vào các dân tộc khác nhau, hoà đồng cùng với tín ngưỡng của người dân bản địa, lễ nghi của Phật giáo dần có sự khác biệt giữa các khu vực, vùng miền…
Một số ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm của Phật giáo (tính theo ngày âm lịch):
– Tết Nguyên đán
– Rằm tháng giêng: lễ Thượng nguyên
– Ngày 08/02 : Đức Phật Thích Ca xuất gia
– Ngày 15/02: Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn
– Ngày 19/02: Khánh đản Đức Quán Thế Âm Bồ tát
– Ngày 21/02: Khánh đản Đức Phổ Hiền Bồ tát
– Ngày 16/3: Khánh đản Đức Chuẩn Đề Bồ tát
– Ngày 04/4: Khánh đản Đức Văn Thù Bồ tát
– Ngày 15/4: Đức Phật Thích Ca đản sinh
– Ngày 13/7: Khánh đản Đức Đại Thế Chí Bồ tát
– Ngày 14/7: Lễ Tự tứ
– Ngày 15/7 : Lễ Vu lan
– Ngày 30/7: Khánh đản Đức Địa Tạng Bồ tát
– Ngày 30/9: Khánh đản Đức Phật Dược sư
– Ngày 17/11: Khánh đản Đức Phật A Di Đà
– Ngày 08/12: Đức Phật Thích Ca thành đạo
Đối với Phật giáo Nam tông Khmer còn có một số ngày lễ theo truyền thống người Khmer, như:
– Ngày 13 – 15/4 dương lịch: Lễ mừng năm mới (CholChơnam Thmây – Tết dân tộc của người Khmer);
– Ngày 30/8 dương lịch: Lễ cúng ông bà tổ tiên (lễ Donta)…
– Đầu tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch (sau khi kết thúc khoá hạ): Lễ Dâng Y (hay lễ Dâng Bông);
– Ngày 15/10 âm lịch: Lễ cúng trăng (Okcombok).
Với những giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết, hữu nghị mà Phật giáo đóng góp cho xã hội, năm 1999, tại phiên họp thứ 54 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công nhận Đại lễ Phật đản, tên gọi theo truyền thống của Việt Nam (hay Đại lễ Vesak, Đại lễ Tam hợp Đức Phật – theo tên gọi quốc tế để kỷ niệm ngày Phật đản sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập Niết bàn) là lễ hội văn hoá – tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc. Lễ hội này được tổ chức hàng năm tại trụ sở Liên hợp quốc và các trung tâm Liên hợp quốc trên thế giới.
Tổ chức của Phật Giáo
Phật giáo chủ trương không có giáo quyền, không công nhận thần quyền, không có tổ chức theo hệ thống thế giới. Ban đầu Phật giáo chỉ có những nhóm người cùng nhau đi truyền giáo, gọi là Tăng già hoặc Tăng đoàn hay Giáo đoàn. Tăng già có từ 4 người trở lên. Thành phần của đoàn thể Tăng già có thể bao gồm cả 2 chúng xuất gia và 2 chúng tại gia.
Đứng đầu đoàn thể Tăng già là một vị Trưởng lão đạo cao đức trọng nhất trong đoàn thể được tập thể các sư suy tôn để quản lý, điều hành Tăng đoàn. Ngoài ra còn một số vị trong hàng Trưởng lão có đạo hạnh và tài năng đứng ra giúp việc.
Tuy nhiên, sau này trong quá trình du nhập và phát triển đến các quốc gia, Phật giáo đã theo tinh thần Khế lý – Khế cơ để có những hình thức tổ chức, sinh hoạt tăng đoàn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cũng như truyền thống, văn hoá của mỗi nơi.
Hệ phái, tông phái Phật giáo
Hệ phái Phật giáo
Trong 49 năm thuyết pháp, Đức Phật đã tuỳ theo căn cơ, đối tượng người nghe; tuỳ vào từng vấn đề; tuỳ vào phạm vi thời gian, không gian, điều kiện, hoàn cảnh… mà thuyết giảng. Sau khi Phật nhập Niết bàn, các vị Bồ tát, Thánh tăng đã tổ chức 4 lần kết tập kinh điển để lưu truyền giáo lý của Phật về sau cho các hàng đệ tử có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành.
– Kết tập kinh điển thứ nhất được tổ chức tại thành Vương Xá sau khi Phật nhập diệt 7 ngày (có sách nói là 3 tháng) tập trung vào việc các Đại đệ tử của Phật tổng hợp và tụng lại các phần Kinh – Luật – Luận, tuy nhiên kết tập kinh điển lần này chỉ là sự tổng hợp và truyền tụng lại cho nhau qua lời nói, chưa có điều kiện để lưu lại trên văn tự.
– Kết tập kinh điển thứ hai được tổ chức tại thành Tỳ Xá Ly sau khi Phật nhập diệt hơn 100 năm để luận giải kinh điển, thực hành giới luật và tranh luận về 10 điều luật mới một bộ phận Tỳ kheo trẻ đưa ra.
– Kết tập kinh điển lần thứ ba được tổ chức tại Thành Hoa Thị sau khi Phật nhập diệt 236 năm và cho đến lúc này cả 3 tạng Kinh – Luật – Luận mới chính thức được ghi chép bằng văn tự Pa li vào các lá bối.
– Kết tập kinh điển lần thứ tư được tổ chức tại thành Ca Thấp Di La sau khi Phật nhập diệt khoảng 600 năm. 3 tạng Kinh – Luật – Luận thời kỳ này đã được khắc bằng chữ Phạn vào các lá đồng dát mỏng rồi được lưu giữ tại một ngôi tháp lớn ở nước Kế Tân.
Sự phân chia hệ phái trong Phật giáo xuất hiện từ lần kết tập kinh điển thứ 2. Trong 10 điều luật mới một bộ phận tỳ kheo trẻ đưa ra và cho là hợp chính pháp, đó là: giáo diêm tịnh (được đem muối đựng trong sừng để bỏ vào các món ăn khi không đủ muối); lưỡng chỉ sao thực tịnh (bóng nắng quá ngọ 2 ngón tay vẫn được ăn); tụ lạc gian tịnh (trước ngọ ăn rồi nhưng đến làng khác vẫn được phép ăn); trụ xứ tịnh (ở đâu thì làm lễ Bá tát ngay ở đấy); tuỳ ý tịnh (quyết nghị đã được Đại hội dù ít dù nhiều cho thông qua đều có giá trị thi hành); cửu trú tịnh (noi theo điều lệ, tập quán); sinh hoà hợp tịnh (được uống sữa pha nước sau giờ ngọ); thuỷ tịnh (rượu mới lên men được pha với nước uống trị bệnh); bất ích lũ Ni sư đàn tịnh (được dùng tọa cụ không viền, kích thước lớn hơn mẫu định); thụ súc kim ngân tiến định (được nhận tiền vàng bạc cúng dàng). Các vị tỳ kheo lớn tuổi không chấp nhận và cho đó là 10 điều phi pháp. Các vị tỳ kheo trẻ không chịu, tách ra thành lập một đoàn thể riêng với chủ trương hành đạo theo tinh thần “Khế lý – khế cơ”, phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh từng thời kỳ, từng vùng, miền của chúng sinh. Vì các vị chiếm số đông nên gọi là phái Đại chúng bộ. Các vị cao tăng với chủ trương giữ y giới luật như ngày Đức Phật còn tại thế, đa số là những người đạo cao, đức trọng nên gọi là phái Thượng toạ bộ.
Phái Thượng toạ bộ truyền sang phía Nam qua Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia nên gọi là hệ phái Phật giáo “Nam truyền” hay “Nam tông”. Phái Thượng toạ bộ chủ trương tôn trọng lối truyền thừa và chủ trương tự độ, tự giác.
Phái Đại chúng truyền sang Trung Quốc rồi truyền vào Việt Nam và Triều Tiên, Nhật Bản … được gọi là hệ phái Phật giáo “Bắc truyền” hay “Bắc tông”. Phái này chủ trương linh động, khoan dung trong giới luật, không cố chấp vào từng chữ trong kinh để rút ra những bài học về triết lý thực hành với tinh thần nhập thế, phổ độ chúng sinh, làm cho chúng sinh cùng giác ngộ như mình, có nghĩa là: Tự độ, độ tha; Tự giác, giác tha.
Tông phái Phật giáo
Cùng với sự phân chia hệ phái của Phật giáo và với cách tiếp cận, nhìn nhận khác nhau về giáo lý Phật giáo, với tinh thần khế lý – khế cơ, từ hai phái lớn của Phật giáo lại được phân thành nhiều tông phái khác nhau. Có thể nói, sự hình thành các tông phái không phải là sự phân liệt, tranh chấp trong Phật giáo về quyền lợi, địa vị của Tăng chúng, cũng không phải là sự phủ định lẫn nhau mà đây chính là sự phát triển làm cho Phật giáo trở nên vững chắc.
Trước đây, Phật giáo có nhiều tông phái, sau này phần nhiều các tông phái có cùng khuynh hướng sát nhập lại với nhau, còn lại 10 tông phái:
1. Câu Xá tông
2. Thành Thật tông
3. Tam Luận tông
4. Pháp Tướng tông
5. Thiên Thai tông
6. Hoa Nghiêm tông
7. Luật tông
8. Thiền tông
9. Tịnh độ tông
10. Mật tông
Chín tông phái (từ 1 đến 9) thuộc loại bộ Hiển giáo. Trong Hiển giáo lại được chia ra Nam tông (1,2) và Bắc tông (từ 3 đến 9). Hiển giáo là thứ giáo lý có thể dùng ngôn ngữ để phát biểu, diễn đạt được. Hiển giáo là do Báo thân và Ứng thân Phật thuyết pháp.
Đối với Mật tông thuộc loại bộ Mật giáo, là thứ giáo lý không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt. Mật giáo là do Pháp thân Phật thuyết pháp, do đó giáo phái này còn được gọi là Chân Ngôn hay Chân Ngôn tông.
Quá trình truyền bá đạo Phật vào Việt Nam
Theo sử sách Phật giáo Việt Nam còn ghi lại, đạo Phật du nhập vào Việt Nam cả 2 hệ phái: Phật giáo Nam tông (từ phía Nam truyền xuống) và Phật giáo Bắc tông (từ phía Bắc truyền sang) qua 2 con đường:
– Đường bộ: năm 198 Phật giáo chính thức được truyền vào Việt Nam qua đường bộ từ Trung Quốc xuống với tên tuổi của các danh Tăng nổi tiếng như: Ma Ha Kỳ Vực, Khâu Đà La…
– Đường thuỷ: đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ 2 hướng:
+ Thế kỷ XIII, đạo Phật được truyền từ Srilanca vào “Thuỷ Chân Lạp”, nay là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Khoảng giữa thế kỷ XVI, vào thời nhà Thanh ở Trung Quốc, khi đời sống xã hội bất ổn, một số thiền sư thuộc Thiền phái Lâm Tế đã đi theo các tàu buôn sang lánh nạn ở Việt Nam và địa phương nơi tiếp nhận phái thiền này đầu tiên là khu vực tỉnh Bình Định ngày nay.
Có một số nhà nghiên cứu cho rằng có dấu hiệu đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ III (trước công nguyên) tại khu vực Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) do một số Tăng sĩ Ấn Độ đi cùng các thương nhân đến buôn bán ở Việt Nam. Như vậy, có thể nói dù đạo Phật truyền vào Việt Nam thời gian nào thì cũng phải khẳng định đạo Phật là một tôn giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm so với các tôn giáo khác và có sự gắn bó, hoà đồng với truyền thống, văn hoá, bản sắc của dân tộc Việt, được người Việt chấp nhận để có thể tồn tại và phát triển đến ngày nay.
Phật giáo khi truyền vào Việt Nam lúc đầu phát triển theo đơn vị gia cư, mỗi cơ sở Phật giáo như là một gia đình, gọi là “Trụ xứ tòng lâm”, từ đó lại phát triển ra nhiều chùa theo một sư tổ, thành một dòng họ và được gọi thành tên khác nhau ở mỗi miền: ở miền Bắc gọi là “Sơn môn”, ở miền Trung gọi là “Môn phái” và miền Nam gọi là “Môn phong”.
Đóng góp của Phật Giáo Việt Nam với đất nước qua các thời kỳ
Trải qua các triều đại phong kiến, thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phật giáo Việt Nam đều có những đóng góp to lớn trong công cuộc hộ quốc, an dân. Công lao của Phật giáo Việt Nam đã được các triều đại, nhà nước và lịch sử Việt Nam ghi nhận. Thời nhà Đinh có Thiền sư Ngô Chân Lưu (933 – 1011) được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Khuông Việt Đại sư và phong chức Tăng thống đứng đầu Phật giáo cả nước vì những đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Thời nhà Lý có Thiền sư Vạn Hạnh được vua Lý Công Uẩn phong làm Quốc sư vì đã có nhiều cống hiến để xây dựng nên sự thịnh vượng của vương triều Lý; ngoài ra còn có các vị Thiền sư: Đa Bảo, Sùng Phạm, Không Lộ, Mãn Giác, Viên Thông … là những danh tăng đã hết lòng phù trợ triều đình để xây dựng đất nước phát triển rực rỡ trong một thời gian dài… Thời nhà Trần, đạo Phật tuy không trực tiếp tham gia vào các công việc triều chính như thời kỳ trước nhưng lại có đóng góp rất to lớn về các mặt tư tưởng, văn hoá, xã hội. Các Thiền sư, Hoàng đế thời Trần đã lập nên một hệ tư tưởng cho Phật giáo Việt Nam, đó là Thiền phái Trúc Lâm và tiêu biểu là Đức vua Trần Nhân Tông sau khi rời bỏ ngai vàng đã khai sáng ra phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, nhiều Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử Phật giáo Việt Nam đã tham gia đoàn quân cứu nước và nhiều vị đã anh dũng hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Nhiều ngôi chùa Phật giáo Việt Nam đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, dự trữ lương thảo, quân nhu … phục vụ quân đội trong suốt những năm tháng chiến tranh.
Đánh giá về công lao của Phật giáo đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã phát biểu trong buổi tiếp các đại biểu của Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo mà từ bản chất, bản sắc từ trong thực tiễn hoạt động của mình đã biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc”.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
* Lịch sử hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Từ khi du nhập vào Việt Nam, đạo Phật tồn tại và phát triển theo truyền thống sơn môn. Các sơn môn sinh hoạt độc lập, ít có sự liên hệ và chịu sự chi phối của các sơn môn khác.
Khi thực dân Pháp đem quân xâm lược nước ta, cũng là lúc Pháp mang theo văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo phương Tây truyền bá vào Việt Nam, mặt khác ra sức kỳ thị, chèn ép Phật giáo với mưu đồ xoá dần tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá truyền thống của người dân Việt. Trong nước, Phật giáo không còn được sự ủng hộ như trước đây … Bản thân Phật giáo lúc này nặng về tín ngưỡng hơn tư duy. Từ bối cảnh đó, một số Tăng Ni, Cư sĩ có tâm huyết và tinh thần đạo pháp, dân tộc đã quyết tâm chỉnh đốn lại bằng cách mở trường Phật học, dịch kinh điển sang chữ quốc ngữ cho Tăng Ni, Phật tử dễ học, dễ hiểu, xây dựng các cơ sở xã hội, ra các tờ tạp chí với mục đích giúp đỡ nhau cùng học Phật và hoằng pháp, nêu cao tinh thần dân tộc. Chương trình học văn hoá cũng được đưa vào giáo dục cho Tăng Ni.
Phong trào “Chấn hưng Phật giáo” ở cả 3 miền Trung – Nam – Bắc trong những thập niên 30, 40 của thế kỷ XX đã thổi bùng lên truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với Dân tộc và Đạo pháp của Tăng Ni, Phật tử, nhất là sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Cùng với các tổ chức cứu quốc khác, Phật giáo cứu quốc ra đời…
Phật giáo Việt Nam đã ý thức được rằng muốn có sức mạnh thật sự phải cùng nhau đoàn kết, tập hợp nhau trong một tổ chức để chấn hưng đạo pháp, bảo vệ văn hoá truyền thống, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là lý do để Phật giáo tiến hành các cuộc vận động thống nhất Phật giáo trong cả nước:Cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ nhất (năm 1951) với sự tham dự của 6 đoàn thể Phật giáo ở 3 miền; Cuộc vận động thành lập Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ở các tỉnh, thành phố phía Bắc (năm 1957, 1958); Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1964 tại miền Nam để thành lập nên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Tuy nhiên, sự thống nhất của 3 cuộc vận động này chưa được trọn vẹn vì đây không phải là sự thống nhất của Phật giáo trên toàn quốc mà chỉ là sự thống nhất của một số tổ chức Phật giáo hay của một miền.
Cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước, thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Đầu năm 1980, thể theo nguyện vọng của toàn thể Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử, các vị Giáo phẩm đại diện cho các tổ chức hệ phái lớn của Phật giáo họp tại thành phố Hồ Chí Minh và quyết định thành lập “Ban Vận động thống nhất Phật giáo” để xúc tiến cuộc vận động trong phạm vi cả nước, bao gồm đại diện của 9 tổ chức, hệ phái:
– Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc);
– Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (Ấn Quang);
– Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh;
– Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam;
– Giáo hội Tăng già nguyên thuỷ Việt Nam;
– Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ (Phật giáo Khmer);
– Giáo phái Khất sĩ Việt Nam;
– Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông;
– Hội Phật học Nam Việt.
Tháng 11/1981 Đại hội thống nhất Phật giáo đã được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội với sự tham dự của 168 vị Giáo phẩm, Tăng Ni, Cư sĩ đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái nói trên để thành lập nên một tổ chức chung của Phật giáo cả nước lấy tên là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam). Tại Lời nói đầu của Hiến chương, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã khẳng định: Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam đặt trên nguyên tắc: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên, các truyền thống hệ phái và phương tiện tu hành đúng chính pháp vẫn được duy trì”, và xác định “Phương châm hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước”. Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã khẳng định: “Mục đích của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới”.
* Các kỳ Đại hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng đoàn kết, thống nhất Phật giáo Việt Nam của đông đảo Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam để thực hiện sự nghiệp truyền bá và duy trì giáo lý Phật giáo, đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Đến nay, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã trải qua 6 kỳ Đại hội.
– Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1981 – 1987) của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chính là Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức vào tháng 11/1981. Đây được coi là thời kỳ xây dựng nền móng cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Về hệ thống tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có 2 cấp: cấp trung ương và cấp tỉnh dưới sự lãnh đạo của 2 Hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự; giúp việc cho trung ương Giáo hội có 2 Văn phòng: Văn phòng I (đặt tại Hà Nội) và Văn phòng II (đặt tại thành phố Hồ Chí Minh) và 6 ban hoạt động (Ban Tăng sự; Ban Giáo dục Tăng Ni; Ban Hướng dẫn nam nữ Cư sĩ Phật tử; Ban Hoằng pháp; Ban Nghi lễ; Ban Văn hóa), thành lập được 28 Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh.
– Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1987 – 1992) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức vào tháng 10/1987. Đây là giai đoạn phát triển các mặt hoạt động theo chương trình nội dung 6 điểm của Giáo hội trong thời kỳ đổi mới của xã hội và đất nước, số lượng Ban Trị sự được thành lập lên tới 33 đơn vị và bổ sung thêm 2 ban ngành hoạt động (Ban Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội; Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) thành 8 ban chuyên môn.
– Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1992 – 1997) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức vào tháng 11/1992. Đây là giai đoạn tiếp tục phát triển và hoàn chỉnh các mặt hoạt động của Giáo hội. Giáo hội đã có 10 ban, viện hoạt động và được duy trì cho tới ngày nay (thành lập thêm Ban Phật giáo Quốc tế và tách Ban Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội thành 2 ban: Ban Kinh tế Tài chính và Ban Từ thiện xã hội) và 41 Ban Trị sự Phật giáo.
– Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 1997 – 2002) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức vào tháng 11/1997. Giáo hội đã thành lập được 45 đơn vị tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước với 10 ban, viện hoạt động.
– Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2002 – 2007) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức vào tháng 12/2002. Đây là nhiệm kỳ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam củng cố các ban, viện. Kết thúc nhiệm kỳ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã có 54 Ban Trị sự (Ban Đại diện) Phật giáo.
– Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2007 – 2012) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức vào tháng 12/2007. Đại hội được coi là một bước thay đổi lớn trong quá trình phát triển của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nổi bật là cải tiến về vấn đề nhân sự tham gia vào bộ máy lãnh đạo của Phật giáo ở các cấp, đặc biệt quan tâm đến sự kế thừa trong Giáo hội, ưu tiên trọng dụng đội ngũ Tăng Ni trẻ có trình độ và uy tín, năng lực. Đại hội cũng đã thông qua bản Hiến chương sửa đổi có quy định về Đạo kỳ, Đạo ca và hệ thống tổ chức được nâng lên 3 cấp thay vì 2 cấp như trước đây: cấp trung ương – cấp tỉnh – cấp huyện; tăng số lượng thành viên tham gia Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự Phật giáo.
Trên cơ sở hệ thống giáo lý, giáo luật, giáo lễ của Đạo Phật và các quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động tôn giáo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã trải qua 6 kỳ Đại hội với 4 lần sửa đổi Hiến chương (tại Đại hội lần thứ II, III, IV và VI) và đã có những điều chỉnh kịp thời trong từng giai đoạn nhất định cho phù hợp với yêu cầu và thực tế khách quan để củng cố tổ chức và đáp ứng được yêu cầu đề ra.
* Về số lượng: Tính đến tháng 6/2010, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có 56/63 Ban Trị sự (Ban Đại diện) Phật giáo cấp tỉnh, 01/63 Ban Đại diện Phật giáo cấp thị xã (chưa có tổ chức bộ máy Phật giáo cấp tỉnh); 14.775 cơ sở thờ tự, 44.498 Tăng Ni (trong đó Bắc tông có 32.165 vị, Nam tông có 9.379 vị, Khất sĩ có 2.954 vị) và trên 10.000.000 tín đồ được phân bố trên phạm vi toàn quốc.
* Thành phần tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thành phần của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam gồm các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni và Cư sĩ thuộc các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam đã hợp nhất, hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và chấp nhận Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Thành phần Tăng, Ni trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam gồm 2 thành phần: giáo phẩm và đại chúng.
– Thành phần giáo phẩm
+ Giáo phẩm Tăng: Hoà thượng, Thượng tọa
+ Giáo phẩm Ni: Ni trưởng, Ni sư
– Thành phần đại chúng: gồm những Tăng, Ni đã thụ giới Tỳ kheo (Đại đức), Tỳ kheo Ni (Sư cô), Thức xoa Ma na, Sa di, Sa di Ni.
* Cơ cấu tổ chức
– Cấp Trung ương
+ Hội đồng Chứng minh: gồm các vị Hoà thượng tiêu biểu của các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam có 70 tuổi đời, 50 tuổi đạo trở lên, không giới hạn số lượng và được Đại hội Phật giáo toàn quốc suy tôn. Hội đồng Chứng minh suy cử một Ban thường trực do một vị Hoà thượng Pháp chủ đứng đầu. Ban thường trực Hội đồng Chứng minh có nhiệm vụ: Chứng minh các Hội nghị Trung ương và Đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; Hướng dẫn và giám sát các hoạt động của Giáo hội về mặt đạo pháp và giới luật; Phê chuẩn tấn phong chức vị giáo phẩm Hoà thượng, Thượng toạ, Ni trưởng, Ni sư của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; Ban hành Thông điệp về Phật đản, Thư chúc tết và tình hình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong những tình huống đặc biệt.
+ Hội đồng Trị sự: gồm các vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni và Cư sĩ của Giáo hội do Ban thường trực Hội đồng Trị sự tiền nhiệm đề cử và Đại hội đại biểu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam suy cử. Hội đồng Trị sự là cấp điều hành cao nhất của Giáo hội về các mặt hoạt động của Giáo hội giữa hai kỳ Đại hội, ấn định chương trình hoạt động hàng năm của Giáo hội theo đúng Nghị quyết của Đại hội đại biểu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và đôn đốc, kiểm soát việc thực hiện chương trình đó. Hội đồng Trị sự có nhiệm vụ suy cử một vị Hoà thượng Chủ tịch đứng đầu và suy cử Ban thường trực để Ban này thay mặt Hội đồng Trị sự điều hành hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam theo nội quy của mình và có đệ trình để Hội đồng Chứng minh biết.
Bộ máy giúp việc cho hoạt động ở cấp trung ương gồm có 9 ban, 1 viện (Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hướng dẫn Phật tử (gồm 2 phân ban: Cư sĩ Phật tử và Gia đình Phật tử), Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa, Ban Kinh tế – Tài chính, Ban Từ thiện xã hội, Ban Phật giáo Quốc tế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (có 1 phân viện đặt tại Hà Nội)) và 4 vị ủy viên kiểm soát, 2 ủy viên pháp chế, 2 văn phòng.
Các ban, viện hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban. Chương trình hoạt động phải phù hợp với Nội quy hoạt động của Ban thường trực Hội đồng Trị sự và được Ban thường trực Hội đồng Trị sự thông qua mới được thực hiện. Các ban, viện có thể thành lập các phân ban, phân viện để phụ trách các chuyên ngành hoạt động theo nội quy riêng được Ban thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y. Việc sửa đổi, bổ sung nội quy do từng ban, ngành, viện đề xuất và được Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam xét duyệt, chấp thuận.
Hai văn phòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam: có trách nhiệm giúp việc cho Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và phối hợp với các ban, viện triển khai công tác Phật sự trong lĩnh vực hành chính, văn phòng.
Nhiệm kỳ hoạt động của Ban thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và các ban, viện, ủy viên, văn phòng là 5 năm, tương ứng với nhiệm kỳ Đại hội.
– Cấp tỉnh: Ban Trị sự (Ban Đại diện) Phật giáo có trách nhiệm điều hành hoạt động của Phật giáo địa phương theo đúng Hiến chương của Giáo hội và phù hợp với pháp luật Việt Nam, đồng thời triển khai các công việc Phật sự theo sự chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
– Cấp huyện: Ban Đại diện Phật giáo là cơ quan giúp việc cho Ban Trị sự (Ban Đại diện) Phật giáo cấp tỉnh, thực hiện các công việc Phật sự ở địa phương mình theo chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ theo nội quy do Giáo hội ban hành.
Những phường xã, thị trấn có nhiều cơ sở thờ tự và Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử thì Ban Đại diện Phật giáo giới thiệu để Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh bổ nhiệm một đại diện phường, xã, thị trấn hay liên phường, xã, thị trấn tại địa phương làm đầu mối để giúp Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện liên hệ với các cơ sở của Giáo hội về mặt sinh hoạt tín ngưỡng.
* Một số hoạt động cơ bản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
– Hoạt động Tăng sự: Hàng năm, Ban Tăng sự đều triển khai các công tác: Thống kê Tăng Ni, Tự Viện để bổ sung vào danh bộ của Giáo hội; cấp Giấy chứng nhận cho Tăng Ni để công nhận là nhà sư thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; tổ chức An cư Kiết hạ để chấn chỉnh quy củ sinh hoạt và nề nếp của Tăng Ni, đồng thời giúp cho Tăng Ni có thời gian và điều kiện học tập, trau dồi đạo hạnh, trí tuệ; tổ chức các Giới đàn thụ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức xoa Ma na, Sa di, Sa di Ni và thụ Thập thiện và Bồ Tát giới cho hàng Phật tử tại gia, đây là sự ghi nhận về sự tăng trưởng đạo pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đối với hàng đệ tử xuất gia và tại gia, đồng thời cũng hướng cho họ tu học theo đúng chính pháp; bổ nhiệm sư trụ trì tại các cơ sở thờ tự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam để quản lý và phục vụ tín ngưỡng Phật giáo cho nhân dân; bồi dưỡng hành chính và trụ trì cho Tăng Ni để trang bị kiến thức cho các vị thực hiện mọi hoạt động tuân thủ Hiến chương của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước.
Công tác Tăng sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc ổn định sinh hoạt Phật giáo ở trung ương cũng như địa phương, giúp cho Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam quản lý tổng thể và tương đối toàn diện về sự phát triển (trên cả 2 mặt: số lượng và chất lượng) của Giáo hội để đề ra những chủ trương, phương hướng hoạt động trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với phương châm Giáo hội đã đề ra.
– Hoạt động giáo dục Tăng Ni: Ngay từ sau khi thành lập, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã mở trường Cao cấp Phật học Việt Nam (đến ngày 23/6/1997 đổi tên thành “Học viện Phật giáo Việt Nam”) cơ sở 1, đặt tại Hà Nội và khai giảng khoá I vào tháng 12/1981; cơ sở 2 đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và khai giảng khoá I vào tháng 10/1984. Đến nay, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã có 4 Học viện Phật giáo, 8 lớp Cao đẳng Phật giáo (tháng 8/2009, Trường Trung cấp Phật học thành phố Hải Phòng được Chính phủ chấp thuận cho nâng cấp lên thành Trường Trung – Cao đẳng Phật học) và 32 trường Trung cấp, hàng trăm lớp sơ cấp Phật học và thường xuyên tổ chức các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho Tăng Ni, Cư sĩ thuộc thành viên Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Giảng huấn các trường tham dự… Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã đào tạo được hàng ngàn Tăng Ni có trình độ Cử nhân Phật học và Cao đẳng Phật học, hàng vạn Tăng Ni có trình độ Trung cấp Phật học. Ngoài ra, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam còn cử hàng trăm Tăng Ni đi du học làm Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Phật học và rất nhiều Tăng Ni đi học Phật học cũng như thế học, ngôn ngữ ở nước ngoài. Hiện nay đã có trên 200 Tăng Ni về nước tham gia các ban, viện trung ương, Ban Trị sự (Ban Đại diện) Phật giáo địa phương và các cơ sở giáo dục Phật giáo…
– Hoạt động hoằng pháp: Công tác hoằng pháp được đặt ra ngay từ khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Hàng năm Ban Hoằng pháp trung ương tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo nghiệp vụ cho Giảng sư đoàn trung ương cũng như đoàn Giảng sư các tỉnh; tổ chức các Hội thi giáo lý cho Cư sĩ, Phật tử; thuyết giảng tại các đạo tràng, hướng dẫn Phật tử tu tập Bát quan trai…
Trong những năm qua công tác hoằng pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã hướng dẫn được đông đảo Phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, góp phần nâng cao nhận thức giáo lý Phật giáo cho Phật tử, bài trừ tệ nạn lợi dụng tín ngưỡng Phật giáo để hành nghề mê tín dị đoan và giữ gìn sự đoàn kết, ổn định trong một bộ phận xã hội.
– Hoạt động hướng dẫn Phật tử: Công tác hướng dẫn Phật tử được chia thành 2 phần chính: hướng dẫn Cư sĩ, Phật tử và hướng dẫn Gia đình Phật tử. Công tác hướng dẫn Cư sĩ, Phật tử nổi bật nhất là thông qua hướng dẫn hoạt động của các đạo tràng như: Pháp Hoa, Dược sư, Tịnh độ, tu Thiền… cho các giới nam, nữ Phật tử tại các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong toàn quốc. Công tác hướng dẫn Gia đình Phật tử sinh hoạt trong các nhà chùa cũng được quan tâm.
– Hoạt động văn hoá: Đến tháng 6/2010, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã có 6 ấn phẩm Phật giáo được phép xuất bản, đó là: Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Tạp chí Văn hoá Phật giáo, Tạp chí Khuông Việt, Tạp chí Nguyên Thuỷ, Tuần báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ. Bên cạnh đó, hàng năm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ở trung ương và địa phương đã xin xuất bản hàng trăm đầu kinh sách và băng, đĩa để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đọc tụng, học tập, nâng cao sự hiểu biết về văn hoá Phật giáo gắn với văn hoá dân tộc cho Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.
– Hoạt động kinh tế tài chính: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với chủ trương tự chủ về kinh phí hoạt động và góp phần xây dựng đất nước, do đó kinh phí được Giáo hội huy động tập trung từ một số nguồn cơ bản: vận động các cơ sở thờ tự tạo nguồn kinh tế nhà chùa; thành lập Công ty kinh doanh các ấn phẩm Phật giáo và tổ chức các tour du lịch Phật giáo trong và ngoài nước; vận động Tăng Ni, Tự viện đóng góp… và thực tế đã chứng minh, trong gần 3 thập kỷ qua Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã tồn tại, phát triển và có nhiều đóng góp cho đất nước trong các công tác từ thiện, nhân đạo … bằng chính nội lực của mình.
– Hoạt động từ thiện xã hội: Công tác từ thiện xã hội là những hoạt động Phật sự mang tinh thần nhân đạo, thể hiện sự nhập thế của Phật giáo Việt Nam, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện có 126 Tuệ Tĩnh đường và phòng phát thuốc từ thiện; hàng trăm phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc; trên 1000 lớp học tình thương; nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tật; nhiều trường dạy nghề miễn phí, hàng chục cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS… và rất nhiều các hoạt động khác. Chỉ riêng nhiệm kỳ V (2002 – 2007), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã tổ chức cứu trợ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh và các hoạt động nhân đạo từ thiện khác với tổng số kinh phí trên 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam còn tham gia các hoạt động ủng hộ, cứu trợ nhân dân thế giới bị ảnh hưởng bởi các cuộc thiên tai, bão lũ …
– Hoạt động Phật giáo quốc tế: Trong xu thế toàn cầu hoá, với tinh thần hoà bình, hữu nghị, hợp tác với Phật giáo các nước trên thế giới, hoạt động Phật giáo quốc tế của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam luôn tích cực tham gia các tổ chức và hoạt động Phật giáo tiến bộ trên thế giới, như:
+ Tham gia là thành viên của tổ chức ABCP (Asian Buddhist Confrence for Peace – Tổ chức Phật giáo Châu Á vì hoà bình). Mục tiêu của ABCP là đấu tranh vì hoà bình, hạnh phúc cho con người, chống chiến tranh.
+ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tham gia các kỳ Đại lễ Vesak (ngày tam hợp đức Phật: ngày Phật sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập Niết bàn). Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự (ngày 15 tháng 12 năm 1999) đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc, tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật. Năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc với sự tham gia của Phật giáo 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.
+ Tham gia tổ chức Ni giới thế giới: Đây là tổ chức hoạt động nhằm khẳng định quyền bình đẳng nam nữ, tạo cơ hội cho nữ giới trong các hệ phái Phật giáo tu học, hoạt động vì mục tiêu hòa bình và công bằng xã hội. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ 11 tại Việt Nam (vào tháng 12/2009) đạt kết quả tốt.
+ Tham gia là thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới (tên đầy đủ là Hội Phật giáo Thế giới truyền bá chánh pháp).
Ngoài ra, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có quan hệ ngoại giao, thân hữu với rất nhiều nước có Phật giáo như: Srilanca, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Indonesia… Tăng Ni Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam còn có các quan hệ cá nhân hoặc trong sơn môn, pháp phái với Tăng Ni, Phật tử người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, tập trung ở một số nước như: Mỹ, Pháp, Canada, Ba Lan, Ucraina, …
Hiện nay đã có trên 300 ngôi chùa Việt Nam ở gần 30 nước trên thế giới.
– Hoạt động nghiên cứu Phật học: Tập trung vào một số lĩnh vực: nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản kinh sách, Tạp chí Phật học; tổ chức và tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị, các hoạt động Phật giáo trong nước và quốc tế (ví dụ: giới thiệu về lịch sử Phật giáo và Phật giáo Việt Nam; phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo về các vị danh tăng thuộc Phật giáo Việt Nam có công với đạo Pháp và dân tộc …); tổ chức các thư viện, phòng đọc sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu và học tập của Tăng Ni, Phật tử;…
Hoạt động nghiên cứu Phật học của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã góp phần vào làm phong phú kho tàng tri thức của Phật giáo Việt Nam và có những đóng góp nhất định vào sự tìm hiểu mối tương quan giữa văn hoá Phật giáo với văn hoá dân tộc Việt Nam.
– Hoạt động nghi lễ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được hợp thành bởi 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo khác nhau và mỗi tổ chức, hệ phái lại có những đặc thù và truyền thống riêng, do đó với tinh thần tôn trọng sự biệt truyền của từng hệ phái Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khó có thể đưa ra một quy định nghi lễ thống nhất trong toàn Giáo hội, tuy nhiên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã có hướng dẫn các địa phương, các hệ phái tổ chức những ngày lễ trọng của Phật giáo (như: Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan Báo hiếu, Lễ Tưởng niệm …) trên tinh thần chung là bảo tồn nét văn hoá truyền thống của Phật giáo Việt Nam, đó là đoàn kết, trang nghiêm, đảm bảo nếp sống văn hoá mới, giữ gìn an ninh trật tự và không trái với quy định của luật pháp nhà nước. Thực tế những năm qua cho thấy, các nghi lễ trong lễ hội Phật giáo cũng như các hoạt động khác của Giáo hội đã góp phần làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của một bộ phận đồng bào theo đạo, đồng thời có những đóng góp vào truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Ngoài các hoạt động nêu trên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam còn có rất nhiều hoạt động khác để “dưỡng đạo”, “hành đạo” và “quản đạo”, không ngừng củng cố tổ chức Phật giáo từ trung ương đến các địa phương; tổ chức các kỳ Hội nghị, Đại hội; phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển … chức sắc tôn giáo; xây, sửa cơ sở thờ tự;…
Gần hai ngàn năm có mặt ở Việt Nam, đạo Phật đã trải qua nhiều thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc, song thời nào Phật giáo cũng lấy đức Từ bi để giáo hoá chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Phật giáo Việt Nam đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Tiếp nối truyền thống đó của Phật giáo Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã và đang viết tiếp vào trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam, tiếp tục khẳng định chỗ đứng của Phật giáo trong lòng dân tộc. Với bản chất từ bi, yêu tự do, yêu hoà bình, tôn trọng sự sống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hôm nay với phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” luôn tích cực trong các phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ cộng đồng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xây dựng xã hội bình đẳng và văn minh, xứng đáng là một tôn giáo “Hộ quốc – An dân”.
Minh Nga
Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo
Ban Tôn giáo Chính phủ