Phật giáo du nhập vào Việt Nam khi nào, phát triển ra sao?
Nội dung chính [Hiện]
Phật giáo du nhập vào Việt Nam khi nào?
Phật giáo ở Việt Nam được truyền vào từ đầu Công nguyên bằng hai con đường gồm đường thủy thông qua việc mua bán trao đổi với các thương gia Ấn Độ, đường Bộ thông qua giao lưu văn hóa, buôn bán với Trung Quốc.
Do vậy Phật giáo ở Việt Nam mang sắc thái Ấn Độ và Trung Quốc.
Giáo lý của Đạo Phật bình đẳng, bác ái ,… nên thân thuộc với người dân Việt Nam.
Hơn nữa thời điểm này có sự tồn tại của tín ngưỡng bản địa của những người dân nông nghiệp lúa nước, sự hiển diện của Nho giáo, Đạo lão mà Trung quốc truyền vào tuy nhiên vẫn có những khuyết thiếu.
Và khi đạo Phật truyền vào đã bổ sung những chỗ thiếu hụt đó. Nhờ vậy Phật giáo Việt Nam được giao thoa với tín ngưỡng bản địa.
Trải qua 2000 năm với các thời kỳ lịch sử của đất nước, Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội.
Phật giáo vào Việt Nam không đơn thuần là sự kiện tôn giáo mà còn là văn hóa.
Chính nhờ sự ảnh hưởng văn hóa của Ấn Độ nên tạo ra sự đối trọng với ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, ngăn chặn khuynh hướng đồng hóa văn minh Trung Quốc tạo nên sự khác biệt văn hóa Việt Nam.
Thời nhà Đinh – Tiền Lê hay Lý Trần, Phật giáo được xem là quốc giáo, ảnh hưởng đến mọi vấn đề trong cuộc sống.
Đến thời Hậu Lê, Nho giáo trở thành quốc giáo và Phật giáo suy thoái.
Đến cuối thế kỷ XVIII, vua Quang Trung ra sức chấn hưng Phật giáo nhưng không nhiều kết quả.
Và đến thế kỷ 20, Phật giáo ở Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ đặc biệt tại miền Nam.
Phật giáo Việt Nam hiện nay
Từ bao đời nay các vị thiền sư hoặc các vị anh hùng dân tộc Phật tử đã thấm nhuần lòng yêu nước, tạo nên sự mật thiết giữa phật giáo Việt Nam với tư tưởng Việt Nam.
Và thực tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều chùa chiền đã trở thành cơ sở nuôi dưỡng nhiều chiến sĩ cách mạng.
Có thể nói Phật giáo đã nhập thế cùng lịch sử dân tộc để giúp nhân dân tìm được cuộc sống tự do, bình đẳng của mình trong xã hội mới.
Phật giáo đã giúp cho người dân trở về gốc lương thiện, tốt đời đẹp đạo, biết ơn với tổ quốc, đồng bào, các vị anh hùng dân tộc và hun đúc một tư tưởng yêu nước nồng nàn.
Không chỉ có vậy, phật giáo Việt Nam hiện nay còn hòa mình vào mọi mặt trong cuộc sống của mỗi người dân, vào trong từng lĩnh vực để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp.
Phật giáo nhập thế vào các vấn đề xã hội: giúp con người sống hướng thiện hơn, giúp gia đình êm ấm hơn bởi Kinh Ca Thi La Việt mà Đức Phật dạy về cách đối nhân xử thế của vợ và chồng với nhau, cũng như đề cao chữ hiếu trong mối quan hệ con cháu với ông bà cha mẹ và tổ tiên.
Hiện nay cũng nhiều cặp đôi chọn cách thức cưới tại chùa theo nghi thức Phật giáo, được gọi là lễ Hằng thuận.
Đây chính là nét văn hóa tâm linh đáng quý khi Phật giáo nhập thế vào vấn đề xã hội.
Đặc biệt với giá trị cốt lõi tâm từ bi, cứu khổ cứu nạn, nhiều tổ chức từ thiện Phật giáo đã tích cực tham gia công tác từ thiện đem lại những miếng cơm manh áo hay những mái nhà tình nghĩa cho các mảnh đời khốn khó.
Đối với vấn đề giáo dục, Phật giáo không đề cao niềm tin mù quáng mà lấy chính kiến làm nền tảng cho sự giải thoát.
Đó là sự động lực để thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Chỉ khi con người có trí tuệ và từ bi mới tránh xa các tệ nạn xã hội , bạo lực học đường, bạo lực trong gia đình, mưu mô, thủ đoạn tranh giành lợi ích.
Do vậy Phật giáo Việt Nam ngày nay luôn cần được giữ gìn và được lan tỏa đến mọi người thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Những di sản văn hóa của Phật giáo đã đem lại sắc thái dân tộc, mang đến sự đa dạng trong bản sắc văn hóa việt.
Hiện nay, nhiều tổ chức xã hội quyên góp công đức để khôi phục, tôn tạo chùa chiền…
Những việc này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là danh thắng nổi tiếng để du khách thập phương tham quan và chiêm ngưỡng.
Có thể nói trải qua bao nhiêu thời gian, chứng kiến mọi sự đổi thay của xã hội, thăng trầm lịch sử, nhưng Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng vun bồi những giá trị đích thức của cuộc sống.