Hầu đồng là gì? Ai mới có thể hầu đồng?
Nội dung chính [Hiện]
Hầu đồng hay còn gọi là hầu bóng hoặc lên đồng. Đây là một nghi lễ, một hiện tượng tâm linh còn chứa đựng nhiều điều “bí ẩn” cho nên nhiều người coi đây là trò “mê tín” và “nhố nhăng”. Tuy nhiên, đó chỉ là “cảm giác” của những người chưa tìm hiểu gì về hầu đồng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về nghi thức hầu đồng và nghệ thuật hát chầu văn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.
Hầu đồng là gì?
Hầu đồng là một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần,…Về bản chất, lên đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập thể linh hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng trong trạng thái tâm linh thăng hoa, ngây ngất nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử.
Nghi thức hầu đồng
Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì được gọi là “Cậu đồng hoặc Ông đồng”, nữ giới được gọi là “Cô đồng hoặc Bà đồng”.
Khi thần linh nhập vào thì lúc đó các Cô đồng (Bà đồng), Cậu đồng (Ông đồng) không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ. Để phục vụ cho nghi lễ quan trọng này người ta đã sáng tạo ra một hình thức lễ nhạc gọi là Hát văn (hát chầu văn) để phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh.
Ai có thể hầu đồng?
Đa số những người hầu đồng là do hoàn cảnh bản thân thúc ép, do di truyền gia tộc hay bản tính có căn đồng. Người nào có “căn” mà chưa ra trình Thánh thì thường bị bệnh tật, ốm đau, mà đây là thứ bệnh “âm”, chữa chạy bằng thuốc thang không khỏi, khi làm ăn thường thất bát, thua thiệt. Dân gian gọi hiện tượng này là “cơ đày”, tức người đang bị Thánh đày ải. Ra đồng rồi thì thường sức khoẻ hồi phục, làm ăn được hanh thông.
Một khi đã bị Thánh “bắt lính”, tức ra trình đồng rồi thì hàng năm, tuỳ theo lịch tiết, đặc biệt là vào dịp “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, các Cô đồng (Bà đồng), Cậu đồng (Ông đồng) thường phải tổ chức làm lễ Lên đồng. Trong nghi lễ như vậy, theo quan niệm dân gian, các vị Thánh từ các miền khác nhau của vũ trụ bay về nhập hồn vào thân xác các Cô đồng (Bà đồng), Cậu đồng (Ông đồng).
Chuẩn bị cho một buổi hầu đồng
Ðiện thờ
Điện thờ chính thờ hệ thống Mẫu Tứ Phủ, Mẫu Thượng Thiên (Trời) ở giữa, Mẫu Ðịa (Ðất) ở bên phải, Mẫu Thoải (Nước) ở bên trái, Mẫu Thượng Ngàn (Núi, Rừng).
Chọn ngày lành
Người hầu đồng trước tiên phải chọn ngày lành tháng tốt để chuẩn bị hầu với thủ nhang nhà đền, phủ hay điện.
Dàn nhạc hầu bóng (hầu đồng)
gồm có 1 đàn nguyệt, 1 đàn nhị, 1 sáo, 1 trống lớn, 1 trống nhỏ, 1 cảnh đôi, 1 phách. Tùy từng địa phương, tùy hoàn cảnh hành lễ mà người ta có thể thêm bớt nhạc cụ này hoặc nhạc cụ khác, nhưng người ta không thể bớt đi đàn nguyệt, trống nhỏ, cảnh đôi vì đây là những nhạc cụ nòng cốt, nhạc cụ tính cách của dàn nhạc hầu bóng.
Nhân sự cho một buổi hầu đồng
Ngoài Cậu đồng (Ông đồng) hay Cô đồng (Bà đồng) thường có thêm hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo để chuẩn bị trang phục, lễ lạt…
Trang phục hầu đồng
Có bao nhiêu giá đồng thì tương ứng với ngần ấy bộ trang phục và trang sức đi kèm. Dân gian truyền lại có 36 giá đồng tương ứng với 36 vị Thánh và điều đó có nghĩa là sẽ có 36 bộ trang phục dành cho các giá đồng. Vì vậy người hầu đồng sẽ phải chuẩn bị đầy đủ trang phục tùy theo định hầu mấy giá. Thường thì cần những trang phục sau đây:
– Khăn đỏ phủ diện
– Ít nhất là 5 chiếc áo dài mầu sắc khác nhau và một quần dài trắng.
– Khăn tấu hương và một ít loại khăn khác.
– Thắt đai lưng mầu.
– Thẻ ngà, kiềng bạc, vòng, hoa tai, chuỗi hạt, xuyến, quạt và son phấn.
– Tuy nhiên cũng có trường hợp, người hầu đồng chỉ cần một vuông vải đỏ.
Màu sắc của trang phục phải phù hợp với màu sắc của từng phủ:
– Miền trời, tượng trưng bằng màu đỏ (Thiên phủ)
– Miền đất là màu vàng (Địa phủ)
– Miền sông biển là màu trắng (Thoải phủ)
– Miền rừng núi là màu xanh (Nhạc phủ).
Lễ vật hầu đồng
Lễ vật trong mỗi vấn hầu trước kia thường đơn giản. Vật phẩm cơ bản gồm xôi, thịt, hoa quả, trầu, cau, rượu, thuốc, vàng mã,… Ngày nay, lễ vật ngày càng phong phú, gồm cả những sản phẩm hàng hóa công nghiệp, thực phẩm đương thời, đắt tiền, dùng trong cả lễ mặn và lễ chay.
Lễ vật trình đồng phải khác với lễ vật hầu bản mệnh hay tiệc khao, được trình bày trên một kỷ tháp hình chữ nhật kê chính giữa và gồm những thứ sau đây:
– Chén đũa bạc, đĩa và cốc pha lê. Chính giữa là một cái gương trên phủ một chiếc khăn thêu. Hai bên bục và trước kỷ (bày bốn mâm lễ Tứ Phủ mỗi mâm có chín quả trứng, một cái lược, một cái quạt, một đôi guốc, chín vuông vải màu phủ lên trên. Màu phải là màu chính của Tứ Phủ (xanh, đỏ, trắng và vàng). Bên cạnh mâm lễ có một cái chung nhỏ, một cái thau nhỏ. Cứ mỗi lễ phải thay một hình nhân (nộm) và bốn lốt. Bên cạnh mâm lễ Tứ phủ là mâm lễ sơn trang, mà bất cứ thứ lễ gì cũng phải chia ra làm 13 phần. Một phần lớn bày ở giữa còn 12 phần nhỏ bày xung quanh. Ngay cạnh đó là một mâm hài sơn trang (hoặc giống) màu. Mũi hài có thêu hình chim phượng. Một trăm vàng thoi (giấy vàng xếp thành thoi).
Lễ vật hầu đồng ở Tây Thiên
– Lễ mặn sơn trang gồm: có ốc, tôm, cá khô, cua (13 hoặc 15 con), mực, nếp cẩm, dừa tươi…
– Lễ sơn trang về đồ chay thường có: 1 mâm hoa quả gồm khế chua sung chát gừng cay, chanh ớt, dứa…ở dưới bệ. Thường thì tán lộc sơn trang ở giá chầu bé hoặc cô bé hoặc bất kì giá chầu hoặc cô miền thượng.
Trước bàn thờ bầy đủ các loại mã và một chiếc thuyền rồng hình cánh phượng có 12 hình nhân chèo thuyền, một đôi ngựa và một đôi voi có đủ yên cương và hàm thiếc. Những đồ dùng mã người ta sẽ hóa (đốt) sau khi lễ xong.
Ngày nay lễ vật có thay đổi đôi chút tùy nơi, tuy nhiên vẫn phải giữ căn bản tối thiểu tùy đồng tiền dâng cúng.
Trình tự một buổi hầu đồng
Bắt đầu buổi hầu đồng người ta đặt các lễ vật lên hương án. Người hầu đồng để các dụng cụ lên chiếu đồng, bước lên chiếu đồng, lấy hoa xoa lên mặt, quần áo rồi vẩy xung quanh để tẩy uế. Cung văn lên dây đàn, dạo nhạc, hát văn công đồng.
Ba động tác tiên khởi mà người hầu đồng phải làm là: Chấp tay chờ cho phụ đồng phủ khăn diên lên đầu trùm cả tay xong thì đưa tay lên trán rồi bước chân trái lên một bước, chân phải chụm lên với chân trái, lặp lại thêm hai lần mới quỳ xuống. Người hầu đồng làm lễ vái dập người, hai tay chống xuống chiếu, mặt úp sát, vái ba lễ. Sau đó đứng dậy đi dật lùi ba bước về vị trí cũ. Giá đệ nhất được bắt đầu.
Cũng như giá đầu, khi sang một giá khác, người hầu đồng sau khi thay đổi trang phục và lễ cụ sẽ bước lên chiếu đồng, cung văn chuẩn bị tấu nhạc. Người hầu đồng, chit xoa khăn vái, ngồi xếp bằng. Người phụ đồng kính cẩn đưa một chiếc khăn phủ diện mầu đỏ. Hầu đồng cầm khăn, vái mấy vái rồi phủ lên đầu, hai tay cầm hai mép khăn phủ ở đầu gối. Một lúc sau đầu hầu đồng lắc lư, đảo đảo rồi bất ngờ hét lên một tiếng, chỉ ngón trỏ trái lên trời. Đó là dấu hiệu giá quan lớn đệ nhất nhập đồng.
Trình tự của một giá đồng
1. Thay Lễ phục
Mỗi vị thánh đều có lễ phục riêng phù hợp với danh hiệu của vị đó và màu sắc cũng khác biệt tùy từng Phủ, từng gốc tích sắc tộc gốc, phẩm hàm cũng như văn hay võ.
2. Dâng hương hành lễ
Đây là một nghi thức không thể thiếu được cho bất cứ giá nào. Hầu đồng tay trái cầm một bó nhang đã đốt sẵn, bọc trong một chiếc khăn có tẩm hương. Tay phải rút một nén nhang rồi huơ lên bó nhang trong tay làm động tác phù phép mà ngôn ngữ hầu đồng gọi là khai nông, để xua đuổi tà ma.
3. Lễ thánh giáng
Khi hầu đồng có thánh nhập vào thì buông các nén hương đang cầm theo tay chắp, nghiêng mình ra hiệu thánh thuộc hạng thứ bậc nào.
Có hai hình thức thánh giáng:
– Giáng trùm khăn (hầu tráng mạn) với các giá Thánh Mẫu. Mẫu chỉ đến chứng giám rồi đi ngay.
– Giáng mở khăn – với các hàng quan trở xuống.
Khi thánh đã nhập, người hầu đồng không còn là người phàm nữa, xuất thần, tự thôi miên đã giúp cho họ nhảy múa một cách uyển chuyển, nhịp nhàng mà bình thường họ không làm được. Đó chính là hứng khởi mang tính tâm linh tôn giáo (chỉ có ở một số người)
4. Múa đồng
Múa đồng là một hình thức diễn xướng đã được cách điểm hóa, khẳng định sự ứng nhập của thần linh. Bởi vậy động tác múa khác nhau tùy theo từng vị thánh. Nhưng chung chung thì thấy có ảnh hưởng của chèo và vũ điệu dân gian.
Mỗi động tác múa trong các giá chầu phản ánh con người thật của vị thánh giáng đồng và thay đổi theo đặc điểm của “giá”. “Giá” quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích. Giá các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không. Giá ông hoàng thì có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ. Giá các cô múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn, múa tay không. Giá các cậu thường múa hèo, múa lân…Trước khi sử dụng lễ cụ, người hầu đồng bắt chéo hai dụng cụ lên trước trán, sau đó cúi đầu làm lễ. Khi múa xong một giá, người hầu đồng lại bắt chéo hai lễ cụ trước trán để tạ lễ.
Nghi lễ Thánh giáng phải theo thứ tự từ cao đến thấp: Cao nhất là Thánh mẫu (Tứ vị Thánh mẫu), sau đó là hàng Quan (Ngũ vị quan lớn), Chầu (Tứ vị Chầu bà), Ông Hoàng (Ngũ vị ông Hoàng), Cô (thập nhị Vương cô), Cậu (thập vị Vương cậu), tổng cộng có đến 50-60 vị. Tuy nhiên, không phải tất cả các vị Thánh Tứ phủ đều nhập đồng, mà chỉ có một số, nhiều nhất là 36 vị nên mới có 36 giá đồng. Bình thường chỉ trên dưới 20 vị Thánh nhập trong một nghi lễ hầu đồng.
5. Ban Lộc và nghe Văn chầu
Sau khi đã múa các thánh thường ngồi nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác về gối và thưởng tiền cho cung văn. Lúc này cũng là lúc, Thánh dùng những thứ người hầu đồng dâng như: rượu thuốc lá, trầu nước..v.v. Các thứ thánh dùng phải làm nghi thức khai cương (khai quang) cho thanh sạch. Lúc này những người ngồi dự chung quanh đến gần để cầu xin hoặc nghe thánh phán truyền. Và đây cũng là lúc thánh phát lộc. Lộc thánh gồm nhiều thứ như: hoa quả, bánh trái, gương lược, tiền bạc, nén nhang cháy…
6. Thánh thăng
Cuối cùng là dấu hiệu thánh thăng. Người hầu đồng ngồi yên, hai tay bắt chéo trước trán quạt che lên đỉnh đầu, khẽ rung mình, lúc ấy hai người phụ hầu đồng cấp tốc phủ khăn diện lên đầu người hầu đồng, cung văn nổi nhạc và hát điệu thánh xa giá hồi cung – kết thúc một giá đồng.
Kết luận
Gốc của đạo Mẫu và hầu đồng của người Việt là ở miền Bắc, sau này theo chân của người di dân vào miền Nam và lên Tây Nguyên. Hầu đồng ở Bắc Bộ mang tính kinh điển, uy nghi, khuôn phép. Hầu đồng ở Nam Bộ, nhất là Sài Gòn thì cởi mở, vui nhộn, dân dã hơn. Ở Huế, ngoài kiểu hầu đồng nghi lễ, còn có hầu đồng tập thể, gọi là Đồng vui, nhất là vào dịp tháng ba giỗ Thánh Mẫu Mẫu Thiên Ya Na, rước Mẫu trên sông Hương về Điện Hòn Chén.
Hầu đồng của người Việt tuy mang nhiều nét đặc thù, nhưng xét về kiểu loại thì cũng không phải là độc nhất. Nếu không kể việc người Việt hiện tại mang nghi lễ hầu đồng ra khắp thế giới: Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Thái Lan, Australia…thì hầu đồng cũng là một trong các dạng thức của tín ngưỡng Shaman, phổ biến khắp các dân tộc trên hành tinh, có từ thời kỳ xã hội bộ lạc. Nhưng nay, trong điều kiện xã hội đô thị hoá, hiện đại hoá thì lại có cơ hội bùng phát trở lại, coi đó như là phương thức giải toả các dồn nén, bức xúc (stress) củacon người. Bởi suy cho cùng, hầu đồng chính là phương cách giúp những người có những lệch chuẩn về tâm sinh lý có cơ hội tái hoà nhập cộng đồng. Tất nhiên, bên cạnh các giá trị xã hội và văn hoá đó, hầu đồng cũng tích hợp vào nó những “bụi bậm”, mà cái đó phần lớn do người ta lợi dụng nghi lễ này vì lợi ích cá nhân. Khi con người quá mong muốn cầu xin “lộc” để thuận lợi cho mình thì lại càng dễ bị lợi dụng, nhất là trong tín ngưỡng càng dễ bị lừa.
Chính vì thế cần hiểu rõ, hiểu đúng bản chất của sự việc, tránh để mọi việc trở nên cực đoan. Hầu đồng là để yên căn, yên số, yên bản mệnh, xin sự an lành của chính mình chứ không phải là nơi xin “lộc, lá”.
Hiện nay ở một số trường đã đưa hầu đồng trở thành một môn học trong tín ngưỡng dân gian. Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã công nhận hầu đồng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Chúng ta đang cố gắng giữ gìn sự trong sáng của Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng. Đạo Mẫu vẫn chưa chính thức công khai, có văn bản thể hiện giáo lý, kinh sách. Nên chăng đã đến lúc cần công nhận, tổ chức Đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng để khẳng định và phát triển một tín ngưỡng lành mạnh, một chỗ dựa tâm linh của người Việt.